Các ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta
Từ thời học sinh, chúng ta đã được học bài về một số ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm thì ít nhiều các kiến thức học được đã phần nào bị quên lãng. Cho nên, bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn nhớ lại ngành công nghiệp trọng điểm là gì cũng như các ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta. Bạn cùng tham khảo nhé.
Ngành công nghiệp trọng điểm là gì?
Ngành công nghiệp trọng điểm là những ngành công nghiệp được Nhà nước xác định là có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nước nhà nói chung. Đó là những ngành có thế mạnh phát triển lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như có sự tác động mạnh đến xã hội.
Một đất nước có phát triển mạnh mẽ hay không? Cuộc sống của người dân có được nâng cao hay không? Một phần bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự phát triển của nền kinh tế và đương nhiên không thể không kể đến các ngành công nghiệp trọng điểm. Vậy nên, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần có sự quan tâm, chú trọng để phát triển những ngành công nghiệp này.
Các ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta
Sau khi đã tìm hiểu ngành công nghiệp trọng điểm là gì? Tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các ngành công nghiệp nào đang được Nhà nước xác định là ngành công nghiệp trọng điểm nhé.
- Ngành công nghiệp năng lượng
Việt Nam là nước rất giàu tài nguyên, nhiên liệu. Vậy nên không khó hiểu khi ngành công nghiệp năng lượng được xác định là ngành công nghiệp trọng điểm. Với “Rừng vàng, Biển bạc”, nếu chúng ta biết khai thác khoa học, hợp lý thì chắc chắn đây sẽ là ngành công nghiệp mang đến nhiều lợi ích cho nước nhà.
Đầu tiên có thể kể đến là ngành công nghiệp khai thác than. Với trữ lượng than lớn, trong đó, 90% trữ lượng nằm ở Quảng Ninh và được đánh giá là mỏ than có chất lượng cao nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, chúng ta còn có than nâu tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và than bùn phân bố nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Khai thác dầu khí cũng là một trong những ngành trọng điểm của ngành công nghiệp năng lượng. Sản lượng dầu khí ở Việt Nam là tương đối lớn được phân bố tập trung ở bể trầm tích ngoài thềm lục địa. Hiện nay, hai bể trầm tích lớn nhất nước ta có thể kể đến là bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn.
Công nghiệp điện của nước ta hiện nay chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện. Nếu như nguồn tài nguyên phong phú là cơ sở chính cho sự phát triển của nhiệt điện thì với hệ thống sông ngòi hùng vĩ là điều kiện để thủy điện phát triển.
Với những nhà máy thủy điện có công suất lớn như nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy thủy điện Trị An, nhà máy thủy điện Y-a-ly hay nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ,… không những cung cấp điện cho sản xuất, đời sống hàng ngày mà còn xuất khẩu sang các nước khác.
- Công nghiệp chế biến thực phẩm
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về trồng trọt và chăn nuôi, từ cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Ngoài ra, với chi phí thấp, thời gian sản xuất nhanh cùng điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với tình hình kinh tế, tài chính của nước ta. Chính vì vậy, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm được Nhà nước đưa vào là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm.
Một khi công nghiệp chế biến phát triển mạnh, nó sẽ thúc đẩy quá trình hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp. Từ đó, vừa nâng cao hiệu quả nuôi trồng vừa giúp đời sống sản xuất của bà con được đi lên. Và tất nhiên, nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến cũng vì thế mà dồi dào hơn.
- Công nghiệp cơ khí – điện tử
Ngành công nghiệp cơ khí – điện tử là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Đây là ngành cung cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị cho quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, ngành cơ khí – điện tử phát triển còn ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần xây dựng sự tự chủ trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo nền tảng để ổn định và phát triển đất nước.
- Công nghiệp dệt may
Đây cũng là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm. Với lợi thế nguồn lao động rẻ dồi dào, sản phẩm chất lượng, trong nhiều năm qua, các sản phẩm dệt may của nước ta đã xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của kinh tế Việt Nam.
Với những thông tin về ngành công nghiệp trọng điểm là gì cũng như các ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta, hy vọng bài viết đã mang đến bạn những kiến thức bổ ích. Bởi vì đây là những ngành mang đến sự phát triển cho kinh tế, đời sống, xã hội của người dân Việt Nam.